Compass corp
Bánh ít lá gai

Món bánh rất Bình Định - từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Hình dáng bánh không giống loại bánh nào. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những tháp cổ Ai Cập nằm trong sa mạc. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh, đó là cách nhìn của họa sĩ. Nếu nhìn dưới đôi mắt của người bình thường thì đó là đôi nhũ hoa của thiếu nữ nên ca dao Bình Định có câu:

Gặt rồi em đứng chờ ai?
Mang chi đôi bánh lá gai đẫy đà

                                                                                                                                                                            

Bánh được gọi bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Bánh làm rất công phu. Thoạt tiên, tìm lá gai. Lá gai hình tim, hơi sần, xốp, khô khô. Làm một trăm bánh phải hái đến hai ba rổ lá. Lá rửa sạch, luộc chín, để thật ráo nước rồi đem vào cối giã. Phải là trai lực lưỡng mới đủ sức quết. Gọi là quết vì là cần nhuyễn như bột nên phải giã lâu. Bấy giờ người con gái mới đem bột nếp, thứ nếp thơm dẻo, trộn đường đen, đổ từ từ bột vào cối. Quết đôi ba chày phải thoa dầu phụng sống vào đầu chày để bột khỏi dính và dầu được trộn đều. Nhân bánh, tùy địa phương có thể dùng đậu xanh, đậu đen hay dừa nấu chín với đường, đôi khi dùng tôm xào với thịt, đó là bánh ít mặn. Lá chuối cắt khoanh tròn, hơ lửa cho mềm, thoa dầu phụng và gói bánh thành hình tháp vuông rồi đem hấp cách thủy.

Nhìn bánh người ta có thể biết được độ ngon và chữ "công" của người con gái trong tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng. Ngoạm một miếng, vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, tạo một cảm giác khoái khẩu và rất riêng. Bạn có thể ăn nhiều mà không sợ đau bụng. Theo lời giải thích của người dân Bình Định thì trong lá gai có vị thuốc trừ đau bụng, gừng ấm lòng và lá gai đố thành than hoạt tính trị no hơi.

Vùng bắc Bình Định, như Tam Quan là xứ dừa thì nhân bánh làm bằng bánh dừa xay nhỏ, cô cho đường và dầu thấm vào. Cắn một miếng bánh Tam Quan, vị béo lẫn vị ngọt lại vừa giòn ngon không quên được. Ở thành phố, người ta trộn vào bánh một ít bột va-ni, bánh thơm hơn nhưng mất đi cái hương thôn dã.

Vùng sông kề biển thì nhân bánh làm bằng tôm và thịt. Giống tôm rằn vị ngọt đậm đà xào với thị ba chỉ, thêm một ít muối, hành, tiêu thành mùi hương biển. Vị riêng của Gò Bồi khiến Xuân Diệu (quê ngoại của ông) đã đưa bánh ít vào thơ:

Bà ngoại ta còn phảng phất đâu đây

Bánh ít lá gai bánh ú mập đầy.

Bánh ít lá gai có từ lúc nào mà ăn sâu vào lòng người đến thế? Chẳng những ở Bình Định mà còn ra đến tận đất thần kinh. Câu chuyện "Tình bánh ít" thật ngộ nghĩnh: Người con trai ra Huế học, yêu cô con gái Huế. Anh về thăm nhà, khi trở ra, anh mang biếu cô mấy cái bánh ít lá gai để khoe cái khéo, cái ngon và cả tấm lòng mình. Nhận được quà, cô mừng rỡ nhưng vẫn ỡm ờ trêu chàng:

Muốn ăn bánh ít lá gai,

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.

Không biết cô ta có sợ đường dài không? Chỉ biết sau khi nhận bánh rồi cô đã làm dâu Bình Định.


 
Sự hài lòng của quý khách là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi !
TRANG CHỦLOẠI PHÒNGTIN TỨCHÌNH ẢNH