Compass corp
Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam: Hội tụ những tinh hoa

Bình Định luôn gợi trong trí mỗi người dân Việt Nam ấn tượng sâu sắc về một vùng đất giàu truyền thống thượng võ, với hồn thiêng sông núi đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất, làm nên bao sự tích oanh liệt, góp phần tô thắm vào trang sử vàng của dân tộc. Không biết tự bao giờ, khi nói đến truyền thống thượng võ, 

người ta đều nghĩ ngay đó là vùng Bình Định. Bình Định đã được mệnh danh “miền đất võ ” và ngày nay là nơi hội tụ chốn “võ lâm” khắp nơi trên thế giới trong mỗi kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam - điểm đến của tình hữu nghị và tinh thần thượng võ.

Trường tồn cùng thời gian

Nền học võ chân truyền Bình Định được hình thành theo đơn vị làng mà mỗi khi nhắc đến không ai là không biết tới các địa danh như: An Thái, An Vinh, Thuận Truyền... Chính những làng quê ấy đã góp phần tô thắm nên bức tranh hoành tráng của truyền thống thượng võ, được coi là nét sinh hoạt dân gian tồn tại bền chặt trên vùng đất Bình Định từ xưa đến nay.

Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất lâu. Nhưng trước thời Tây Sơn (khoảng năm 1600), môn võ này còn ở dạng sơ khai. Chỉ đến thời Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định mới phát huy được những tinh hoa. Cùng với sự hưng thịnh của triều đại Tây Sơn, nó đã được xây dựng thành hệ thống võ học, đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ. Đặc biệt, được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự phục vụ chiến trường. Thời ấy, ở Bình Định, nơi đâu cũng thấy xuất hiện những trường dạy võ. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn hội tụ những tinh hoa giữa các dòng võ, môn phái khác nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh túy nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng võ học chân truyền của dân tộc. Đó là kết quả của sự giao lưu, hòa nhập giữa các dòng võ và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng.

Võ cổ truyền Bình Định luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Chính sức mạnh bất diệt đó đã giúp cho võ cổ truyền Bình Định trường tồn cùng với thời gian. Mặc dù, sau khi Tây Sơn suy thoái, Nguyễn Ánh đã tìm mọi cách để tiêu diệt mọi thành quả của nhà Tây Sơn, nhưng với sức mạnh lâu đời, võ cổ truyền vẫn sống mãi trong lòng nhân dân. Nó vẫn được bí mật truyền dạy trong các nhà chùa hoặc các bìa rừng. Đặc biệt, vẫn được nhiều người tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, lưu truyền sử sách cho con cháu mai sau. Nửa đầu thế kỷ XIX, sự du nhập mạnh mẽ các dòng võ nước ngoài vào Việt Nam vẫn không làm mai một những tinh hoa vốn có của võ cổ truyền Bình Định. Trải qua bao biến cố thăng trầm, ngày nay, võ cổ truyền vẫn giữ được những nét đẹp độc đáo riêng.

Biểu tượng cho những đức tính ấy là nhân vật Chàng Lía, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII trước khi có cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Sự tích Chàng Lía với sức sống của nó mang tính truyền kỳ nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành miền đất võ Bình Định; đồng thời cũng là bức tranh toàn cảnh cái đêm hôm trước của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tiềm hiểu theo các nhà nghiên cứu được biết , trước khi là vua, là tướng, lực lượng cốt cán của nghĩa quân Tây Sơn đều là những võ sĩ, hiệp sĩ võ nghệ cao cường... Chính cái phẩm chất tráng sĩ trong từng con người ấy là nhân tố quyết định mọi thắng lợi phi thường của quân đội Tây Sơn... Tinh thần nhân bản của võ cổ truyền Bình Định được thể hiện rõ nét ở truyền thống võ sĩ đạo và trọng nhân nghĩa. Đó là truyền thống quý báu đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam, trong đó có người dân đất võ. Ở Bình Định, học võ là để giữ thân, giữ nhà, cứu người, giúp đời khi gặp gian nguy. Người có võ công càng cao, thì đức lại càng khiêm nhường, thường sống ẩn dật, không phô trương, kiêu ngạo.

Luôn đặt vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục, truyền thụ võ đạo lên hàng đầu trong toàn bộ sự nghiệp phát triển nền võ học chân truyền, cả quá khứ, hiện tại và tương lai là bản chất cốt lõi của võ cổ truyền Bình Định. Chính mục đích cao cả đó, đã góp phần làm nên nét đẹp toàn diện của con người, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngành Thể thao Bình Định đã có cả một công trình khoa học nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng của võ cổ truyền, nhằm gìn giữ, tôn vinh, phát huy những thế mạnh vốn có của một môn thể thao giàu truyền thống .Chính vì vậy mà võ cổ truyền Bình Định luôn đặt vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc giáo dục, truyền thụ võ đạo lên hàng đầu trong toàn bộ sự nghiệp chấn hưng nền võ học chân truyền, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai góp phần hình thành con người mới phát triển toàn diện, phục vụ đắc lực trong sự nghiềp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Viết bởi KT-BDL

Nguồn: Sở VH, Thể Thao & Du Lịch Bình Định

 
Sự hài lòng của quý khách là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi !
TRANG CHỦLOẠI PHÒNGTIN TỨCHÌNH ẢNH